Quy hoạch thành phố Thủ Đức thành nơi đáng sống

Thành phố Thủ Đức tương lai trực thuộc TPHCM sẽ được thiết kế không gian rộng rãi, xanh sạch đẹp, hiện đại, có khả năng tương tác cao, trở thành nơi đáng sống…

Thông tin từ Văn phòng UBND TPHCM ngày 4.9 cho biết, thành phố đã giao các sở, ngành triển khai sớm hoàn thiện Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức. Trước đó, Chính phủ cũng đã đồng ý chủ trương cho TPHCM thực hiện thành lập Thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập 3 quận (quận 2, 9, Thủ Đức).

Theo đó, UBND TPHCM giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc đẩy nhanh tiến độ lập Nhiệm vụ và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong quá trình lập quy hoạch, cần nghiên cứu nội dung quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố (Thành phố Thủ Đức tương lai) gắn với quy hoạch chung xây dựng thành phố cũng như quy hoạch vùng, tránh trùng lắp định hướng phát triển giữa các vùng, các khu vực và tránh tạo ra cạnh tranh nội vùng, dễ làm phân tán nguồn lực.

Đặc biệt, thành phố lưu ý việc quy hoạch Thành phố Thủ Đức tương lai cần thiết kế không gian rộng rãi, xanh sạch đẹp, hiện đại, có khả năng tương tác cao, thành nơi đáng sống, đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và chú ý tới yếu tố dịch tễ, không để phát sinh lây lan dịch bệnh nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng làm rõ các điểm nhấn, điểm khác biệt của Thành phố Thủ Đức tương lai, so sánh không chỉ với các thành phố trong nước, mà còn đối với các trung tâm tài chính, công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực Châu Á và một số thành phố phát triển trên thế giới.

TPHCM đang quy hoạch Thành phố Thủ Đức trong tương lai sẽ thành nơi có nhiều mảng xanh, rộng rãi, đáng sống.

TPHCM đang quy hoạch Thành phố Thủ Đức trong tương lai sẽ thành nơi có nhiều mảng xanh, rộng rãi, đáng sống. Ảnh Minh Quân

Trong khi đó, đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, thành phố giao dựa vào định hướng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố để xác định tiêu chí nhà đầu tư; tham mưu UBND thành phố xây dựng chương trình, tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề để tìm hiểu các nhu cầu đầu tư cũng như giới thiệu, cung cấp thông tin để thu hút, kêu gọi và lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn công nghệ, tài chính, bất động sản hàng đầu thế giới. Trong đó, làm rõ hình thức huy động vốn nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho Thành phố Thủ Đức, nguồn lực theo hình thức xã hội hóa…

Trước đó, UBND TPHCM cũng giao Sở GTVT nghiên cứu giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng đáp ứng 50-60% nhu cầu đi lại của người dân Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố đến năm 2040. Trong đó, có việc mở rộng mạng lưới giao thông đường sắt đô thị trên địa bàn các quận hướng Đông và định hướng kéo dài tuyến metro số 1 kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Trong giai đoạn trước mắt sẽ nghiên cứu mở rộng mạng lưới xe buýt, BRT trong khu vực phía Đông gắn với các trung tâm phát triển, các khu dân cư mới và kết nối với tuyến metro số 1 đang hình thành. Từ đó, nâng tỉ lệ người sử dụng giao thông công cộng (đường bộ, đường sắt, đường thủy) trong khu vực từ 10% lên 25% vào năm 2025.

Theo báo Lao Động

Share with

Start typing and press Enter to search

Ứng tuyển 

CHUYÊN VIÊN KINH DOANH

    Ứng tuyển 

    TRƯỞNG PHÒNG KINH DOANH